ĐƯỜNG MAI THU
Địa điểm:
Nằm trên địa bàn ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An, tỉnh Long An.
Lý trình: Từ Tỉnh lộ 833 đến đường Lương Văn Bang.
Chiều dài toàn tuyến: Dài 870m.
Chỉ giới đường đỏ: Từ tim đường vào 10,0m.
Chỉ giới xây dựng: Lùi khỏi chỉ giới đường đỏ 3,0m.
Tầng cao xây dựng: 1 trệt, 3 lầu.
- Độ cao nền nhà so với mặt đường hoàn thiện: 0,55m.
- Tầng trệt cao: 4,0m.
- Các tầng lầu cao: 3,6m.
Tiểu sử nhân vật:
Kỷ niệm cách mạng Tháng Tám, ngày 14-08-1964, lực lượng biệt động thị xã Tân An tổ chức cho hai nữ sinh thuộc biệt động đội dùng mình hẹn giờ đánh vào khách sạn Ngọc Huệ (ở phường 2, thị xã Tân An). Khách sạn này có 4 cố vấn Mỹ và Phi Luật Tân ở, chỉ cách sào huyệt bọn biệt kích 303 hơn 100 mét. Trận đánh không thành, 2 nữ biệt động hy sinh tại chỗ do mìn nổ sớm hơn 5 phút, nhưng đây là tiếng vang cảnh báo quân xâm lược Mỹ đầu tiên ở tỉnh lỵ, gây chấn động làm cho địch ở đầu não tỉnh rất hoang mang, lo sợ. Lê Thị Mai có bút hiệu là Mai Thu, nữ sinh lớp độ nhất, trường Trung học Tân An (là trường Lê Quý Đôn, cặp Quốc lộ 1A). Chị sinh năm 1944 ở Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa), trong một gia đình cách mạng. Sớm nhận thức hướng đi cho đời mình, chị quyết định theo con đường cách mạng mà cha chị đã đi trước, quyết trả thù cho người mẹ bị giặc tàn sát năm xưa trước sân nhà cùng đứa con vô tội của chị. Khi về ở thị xã Tân An, chị vào tổ chức cách mạng, nòng cốt của phong trào học sinh hoạt động nội thị, tham gia bút đoàn "Mây mùa thu" ra đời vào tháng 08-1963. Nguyễn Thị Cẩm (cùng nhóm với Mai Thu đánh Mỹ), cùng lực lượng bí mật trong học sinh yêu nước, hoạt động nội thị thị xã Tân An, quê quán ở xã Mỹ Bình (Tân Trụ). Bà con gần gũi thường gọi mẹ chị là bà Mười Sổ. Xuân Giáp Thìn 1964, Bút đoàn "Mây mùa thu" cho ra đời một giai phẩm, nội dung có nhiều bài văn, bài thơ ca ngợi cách mạng, đề cao người kháng chiến và có nhiều lời văn nêu cao tinh thần đấu tranh đòi tự do dân chủ, động viên lòng yêu nước, yêu quê hương trong tuổi trẻ học sinh, trân trọng đối với các bậc cha anh theo kháng chiến. Lòng dũng cảm tuyệt vời, tấm gương hy sinh của hai chị đã thể hiện tinh thần yêu nước của tuổi trẻ thanh niên, học sinh thị xã Tân An. Hai tháng sau, nhà thơ Giang Nam trong chuyến đi công tác ngang qua xã Mỹ Bình (quê hương của chị Nguyễn Thị Cẩm) nghe bà con và anh Mười Lê (lúc đó là Bí thư Đoàn thị xã) kể chuyện về hai chị đem mìn đánh Mỹ ở Thị xã, nhưng không thành, ông đã vô cùng xúc động viết một bài thơ truy tặng hai liệt sĩ Lê Thị Mai và Nguyễn Thị Cẩm.
(Dẫn theo "Lịch sử Công An nhân dân tỉnh Long An, thời kỳ chống Mỹ (1954-1975)", Công An Long An ấn hành, tháng 4-2005, trang 135.136)./.
https://maps.app.goo.gl/n3M9rPrSY5Y1rEcW7